Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 đang lan rộng, chiều ngày 29-7, người dân TP.HCM đã đổ xô tìm mua khẩu trang y tế. Tuy nhiên, do sức mua tăng đột biến trong khi số lượng doanh nghiệp (DN) sản xuất và cung ứng có hạn, lập tức mặt hàng này rơi vào tình trạng khan hiếm nghiêm trọng. Đáng nói, giá bán đã bị đẩy lên gấp 3-4 lần.Bán khẩu trang tại khu cách ly trường Nguyễn Khuyến - Ảnh: Lê Nguyễn“Đỏ mắt” tìm khẩu trangTheo chị Võ Thị Bích Liên, Trưởng phòng hành chính nhân sự một công ty ở quận 2, ngay khi có thông tin dịch cúm tiếp tục lan rộng tại TP, lãnh đạo công ty đã yêu cầu phòng hành chính trang bị khẩu trang y tế cho toàn bộ nhân viên, đồng thời mua bồ kết trái để xông trụ sở công ty nhằm phòng tránh dịch.
Thế nhưng, trong 2 ngày 28 và 29-7 nhân viên văn phòng đã chia nhau đến các hiệu thuốc tây ở khu vực đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) và một số cửa hàng trang thiết bị y tế (quận 1) để lùng mua khẩu trang nhưng chỉ “tốn công, vô ích”.
Quay về công ty, chị Liên đã điện thoại đến một số công ty cung cấp theo giới thiệu của tổng đài 1080, hy vọng có thể mua được hàng nhưng không có kết quả vì các đơn vị này đang trong tình trạng cung không đủ cầu.
Tương tự, giám đốc ban quản lý một ký túc xá lớn tại TP.HCM đã bỏ ra một buổi chiều, chạy đôn chạy đáo để tìm mua khẩu trang, cũng đành phải quay về với một…. chai nước rửa tay để sát trùng! Ông đang “cầu cứu” đến một vài người quen trong ngành y tế giới thiệu để có thể mua khẩu trang cho bản thân, tiến tới trang bị cho 1.600 sinh viên nội trú trong ký túc xá.
Theo ghi nhận của PV báo SGGP, mặc dù người dân TP không “ngại” giá các loại khẩu trang bán trên thị trường đã tăng rất cao, gấp 3-4 lần mà vấn đề đặt ra là họ không tìm được khẩu trang để mua. Được biết, giá gốc loại khẩu trang của Công ty TNHH sản xuất Bảo Thạch (Bình Dương) là từ 800-850 đồng/cái nhưng tại các nhà thuốc đã “hét” lên từ 3.000-4.000 đồng/cái!
Đến sự chậm trễ trong sản xuấtĐược biết, ngoài Công ty Bảo Thạch, Công ty Como (TP.HCM) đã hợp tác với Tập đoàn Shikibo (Nhật Bản) sản xuất khẩu trang chống dịch cúm A/H1N1. Đây là loại khẩu trang làm bằng vải Flutect (loại vải kháng khuẩn và các loại virus đã được các tổ chức chuyên ngành kiểm định và công nhận).
Khẩu trang này có thể sử dụng qua 100 lần giặt vẫn giữ được tính chống khuẩn và virus. Lô hàng thử nghiệm đầu tiên đã xuất xưởng với 6.000 cái đã được tiêu thụ hết ngay sau đó. Giá bán của công ty là 16.000 đồng/cái màu trắng và 20.000 đồng loại màu. Thế nhưng, khi chúng tôi mua ngoài thị trường, tùy địa điểm giá đã được “thổi” lên tới 45.000 - 50.000 đồng/cái!
Thành công của lô hàng đầu tiên, ban giám đốc Como lên kế hoạch sản xuất 200.000 sản phẩm tiếp theo. Thế nhưng, phải chờ từ 30-45 ngày nữa thì lô hàng này mới có thể xuất xưởng. Nguyên nhân chính là việc sản xuất loại khẩu trang này khá phức tạp, vải nguyên liệu được sản xuất tại VN, sau đó xuất khẩu sang Nhật Bản để đối tác gia công chất diệt khuẩn và virus rồi mới nhập khẩu trở lại VN.
Do ít có trường hợp DNVN đặt gia công hàng ở nước ngoài nên Como phải mất hết 2 tuần thì mới hoàn tất được các thủ tục hải quan. Đây là lý do chính khiến cho sản phẩm tung ra rất chậm, trong khi nhu cầu sử dụng khẩu trang chống dịch cúm của người dân tăng cao.
Đại diện Công ty Bảo Thạch cũng thừa nhận, từ khi dịch cúm xảy ra, công ty đã nâng sản lượng lên 40.000 cái/tháng nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thị trường.
Để đối phó với cúm, bảo vệ sức khỏe, người dân không còn cách nào khác là đeo khẩu trang để phòng bệnh. Vấn đề đặt ra là nguồn cung từ thị trường khan hiếm thì người dân lấy gì để sử dụng, để tự vệ? Ngoài năng lực sản xuất nhỏ giọt của các DN trong nước, có hay không tình trạng các cửa hàng đầu cơ, ghim hàng, tạo “cơn sốt” giả để làm giá? Vấn đề này xin chuyển đến các sở, ngành chức năng.
tuoitre.com.vn